Trong thời gian mang thai, do sự thay đổi của nội tiết tố làm hệ miễn dịch của mẹ bầu suy giảm, sức đề kháng của cơ thể yếu đi, nên bên cạnh việc đối phó với hàng loạt những vấn đề khó chịu như ốm nghén, đau lưng, ợ chua, chuột rút, phù nề… các mẹ còn thường xuyên mắc phải những bệnh như cảm cúm, ho, viêm mũi thai kỳ,.. Viêm mũi thai kỳ có thể gặp ở khoảng 20%- 30% trong số các phụ nữ mang thai, tình trạng này gây ra những vấn đề khó chịu, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của mẹ và bé. Cùng tìm hiểu và lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ Ths.BS Trần Anh Tuấn Phó Giám Đốc Y Khoa tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn SIH với thâm niên nhiều năm kinh nghiệm trong nghề.
1. Viêm mũi thai kỳ là gì?
Viêm mũi là một bệnh lý khá phổ biến trong thai kỳ, nó không xuất phát từ cảm cúm hay dị ứng thông thường. Đây là tình trạng mà các mẹ bầu gặp những vấn đề về mũi, kéo dài từ 6 tuần trở lên với các triệu chứng sau:
– Đầu tiên là chứng nghẹt mũi, mẹ có thể bị nghẹt mũi liên tục, đặc biệt là vào ban đêm.
– Kèm theo là chảy nước mũi trong với dịch mũi lỏng hoặc nhầy nhớt.
– Thỉnh thoảng hắt hơi nhưng không kèm sốt, nhức đầu, đau mỏi người hay các triệu chứng đặc trưng của bệnh cảm thông thường.
Hiện tượng này có thể bắt đầu sớm từ tháng thứ hai của thai kỳ và thường kết thúc sau khi bé được sinh ra. Với một số mẹ bầu, viêm mũi thai kỳ thậm chí còn kéo dài đến vài tuần sau sinh.
Tuy bệnh lý này không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của mẹ, việc thở bằng miệng sẽ làm thiếu oxy dẫn đến tăng huyết áp; ngoài ra còn ảnh hưởng gián tiếp đến dinh dưỡng bào thai, làm cho thai chậm phát triển.
2. Nguyên nhân gây ra viêm mũi thai kỳ?
Nguyên nhân thường là do lượng estrogen tăng cao trong khi mang thai làm sưng màng nhầy niêm mạc mũi, tác động lên mũi làm chảy chất nhờn nhiều hơn. Đồng thời lượng máu trong cơ thể thai phụ tăng lên, các mạch máu mở rộng làm sưng màng mũi gây ra chứng viêm mũi trong thai kỳ.
Một số tác động có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm mũi thai kỳ là:
– Không khí bị ô nhiễm, khói bụi ngoài đường hay dị ứng với bụi mạt nhà.
– Hút thuốc lá hay tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên.
– Tiền sử bệnh viêm mũi dị ứng và các vấn đề về mũi.
3. Các biện pháp khắc phục tình trạng viêm mũi thai kỳ?
Viêm mũi thai kỳ không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc vì sẽ gây tác động đến thai nhi. Các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục như:
– Uống nhiều nước để tiếp nước cho cơ thể, giảm bớt mệt mỏi.
– Kê gối cao khi ngủ giúp cho dịch nhầy trong mũi dễ dàng thoát ra, cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
– Tắm nước ấm, hay làm ấm khăn với nước nóng, sau đó đặt lên mặt và hít thở hơi nước thật nhẹ nhàng.
– Sử dụng các loại nước muối hoặc nước nhỏ mũi để thông mũi.
– Tránh khói bụi ngoài đường, khói thuốc lá và chất kích thích.
– Tăng cường thực đơn có nhiều tỏi vì đây được xem là thực phẩm tốt cho máu và là loại “thuốc thông mũi” do đặc tính chống viêm của tỏi.
Ngoài việc áp dụng các biện pháp trên, mẹ bầu cũng cần tới khám bác sĩ để được tư vấn, tránh những biến chứng cho mẹ và thai nhi.
Bệnh Viện Phụ Sản Quốc Tế Sài Gòn – SIH với đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm sẽ tận tình thăm khám, theo dõi và đem đến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.
Để được tư vấn trực tiếp, bạn có thể liên hệ Hotline của SIH: 0898300028 hoặc liên hệ Trưởng bộ phận CSKH 0903958366 (Mr Quân).