Những ai đã trải qua thai kỳ đều hiểu được rằng quá trình mang thai không hề thoải mái và dễ chịu chút nào. Ngược lại, nó còn có những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Rối loạn đường huyết là một trong những nguy cơ như vậy, có nguyên nhân từ nguồn thức ăn và lối sống hàng ngày của bạn. Đó chính là lý do vì sao một lối sống lành mạnh, một chế độ dinh dưỡng cân đối luôn là yêu cầu đầu tiên khi bạn mong muốn có được một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
TẠI SAO CẦN QUAN TÂM KIỂM SOÁT LƯỢNG ĐƯỜNG HUYẾT TRONG THAI KỲ?
Rối loạn đường huyết là hiện tượng lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường, nhưng thấp hơn mức của người bị tiểu đường. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, nó có thể diễn tiến thành đái tháo đường type 2, gây ra tác hại to lớn cho cả mẹ và em bé.
Đối với mẹ: đái tháo đường có thể gây ra các bệnh lý ở thận, tim, gây ra chứng tiền sản giật
Đối với em bé: có thể gây dị tật thai (vo sọ, não úng thủy, teo thận, thông liên nhất, thông liên nhĩ,…), sẩy thai, thai to, sinh khó,…
Thai kỳ làm tăng nguy cơ rối loạn đường huyết, bởi đây là lúc thay đổi nội tiết tố của thai kỳ cộng với tâm lý lo lắng cho sức khỏe em bé khiến người mẹ thay đổi lối sống:
-
Ít vận động hơn: Từ khi có thai, nhiều phụ nữ bỏ hẳn những hoạt động thể dục thể thao quen thuộc của mình vì lo lắng chúng sẽ làm ảnh hưởng đến bé. Không những vậy, sự nặng nề của chiếc bụng bầu khiến các bà mẹ lười vận động.
-
Ăn uống theo sở thích: Sự gia tăng các nội tiết tố thai kỳ khiến nhiều phụ nữ thay đổi khẩu vị. Rất nhiều người cảm thấy thèm ăn ngọt. Một lượng đường đáng kể đã được dung nạp để thỏa mãn cảm giác thèm ngọt này, khiến lượng đường huyết của thai phụ thường xuyên ở mức báo động.
-
Ăn nhiều: Thai kỳ là thời gian mà người mẹ thường ăn uống vô tội vạ bởi tâm lý “ăn cho hai người”. Chiếc bụng bầu ngày một to ra khiến cho sự kiêng khem, giữ ý cho cân nặng và vòng eo không còn được đề cao như trước. Đó là chưa kể tất cả người thân, bạn bè đều cổ vũ, động viên và tạo điều kiện tối đa cho các thai phụ thõa mãn cơn đói thường xuyên của mình.
NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG CỦA RỐI LOẠN ĐƯỜNG HUYẾT TRONG THAI KỲ
NGUYÊN NHÂN chính xác của rối loạn đường huyết vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn đường huyết bao gồm:
-
Đã từng bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước hoặc từng sinh con nặng trên 4kg
-
Có người thân mắc bệnh đái tháo đường
- Đã có bệnh tăng huyết áp
- Thừa cân, béo phì
- Không vận động thường xuyên
-
Thói quen ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều chất bột đường.
TRIỆU CHỨNG rối loạn đường huyết thường không rõ ràng, lượng đường của họ có thể tiếp tục gia tăng một cách âm thầm mà họ không hề hay biết. Tuy nhiên trong một vài trường hợp có một vài dấu hiệu nhận biết như:
- Tăng cân khi vẫn sinh hoạt bình thường
- Thèm đường
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Cách tốt nhất để nhận biết rối loạn đường huyết đó là xét nghiệm máu.
NGĂN NGỪA RỐI LOẠN ĐƯỜNG HUYẾT THAI KỲ
Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống sẽ giúp ngăn ngừa rối loạn đường huyết tiến triển thành đái tháo đường.
-
Điều chỉnh ăn uống: hạn chế ăn tinh bột, hạn chế tiêu thụ đường vào cơ thể, tăng cường các loại rau củ vào trong bữa ăn, đặc biệt là các loai rau củ ít hàm lượng bột đường. Cắt giảm chất béo không tốt trong khẩu phần ăn. Kiểm soát cân nặng, tránh việc tăng cân quá nhanh và quá nhiều trong suốt thời gian mang thai.
-
Tăng cường vận động: Khi chúng ta vận động đó là khi đường chuyển hóa thành năng lượng. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu của bạn.
Theo dõi bệnh viện trên Facebook Fanpage tại đây
Nguồn: Học làm mẹ cùng Bác sĩ