Đa số chị em thường băn khoăn rằng liệu có nhất thiết phải tiêm phòng các loại vaccine trước và trong khi mang thai hay không? Và đâu là những vaccine cần tiêm phòng?
Dưới đây là những chia sẻ của Bác sĩ Lâm Trọng Nghĩa – Khoa sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế SIH, các bạn cùng tìm hiểu nhé!
- Tại sao phải tiêm chủng trước và trong khi mang thai?
Có thể nói, trong thời kỳ mang thai, cơ thể mẹ bầu rất nhạy cảm, hệ thống miễn dịch suy giảm nên rất dễ bị tác động và tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây bệnh. Nhiễm bệnh trong giai đoạn này nếu không điều trị tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé, đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.
Tiêm vaccine phòng bệnh không chỉ là một biện pháp chủ động bảo vệ sức khỏe của mẹ, mà còn cung cấp cho trẻ sơ sinh một lượng kháng thể ngắn hạn, giúp hình thành hệ miễn dịch thụ động để bảo vệ bé trong những năm tháng đầu đời, khi bé chưa đủ tuổi để có thể được chủng ngừa vaccine.
- Các loại vaccine cần tiêm phòng gồm những loại nào?
- VACCINE 3 TRONG 1: SỞI – QUAI BỊ – RUBELLA
Sởi – Quai bị – Rubella đều là những căn bệnh rất dễ lây nhiễm qua đường hô hấp nếu chưa được tiêm phòng vaccine. Các bệnh này nếu nhiễm trong giai đoạn mang thai sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như sảy thai, thai dị dạng, chết lưu, đẻ non hoặc trẻ bị nhẹ cân, chậm phát triển,..
Các mẹ nên tiêm vaccine 3 trong 1 này trước khi mang thai từ 1 đến 3 tháng để giúp cơ thể có thời gian tạo miễn dịch đầy đủ, bảo vệ thai nhi hiệu quả. Liều lượng vaccine cần tiêm là 1 mũi duy nhất, trừ trường hợp có đợt dịch bùng phát thì cần tiêm thêm mũi thứ 2, thời gian cách mũi 1 ít nhất 1 tháng (theo khuyến cáo của CDC 2019).
Lưu ý vaccine này không được tiêm trong thời kỳ mang thai. Nhưng nếu lỡ tiêm vaccine rồi mới phát hiện có thai (thời gian từ lúc tiêm vaccine đến lúc có thai chưa được 1 tháng), mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
- THỦY ĐẬU
Nhiễm thủy đậu khi mang thai có thể nguy cơ cho thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (0,4% nếu nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ, 2% nếu nhiễm ở 3 tháng giữa sẽ gặp các vấn đề như sẹo ở da, tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, ngắn chi, chậm phát triển). Nếu mẹ bầu bị nhiễm trong vòng 5 ngày trước sinh, bé sơ sinh có thể bị nhiễm bệnh thủy đậu lan tỏa, tỷ lệ tử vong lên đến 20-30%.
Đối với vaccine ngừa thủy đậu, Bộ Y Tế khuyến cáo nên tiêm phòng trước khi mang thai tốt nhất là 3 tháng và tối thiểu là 1 tháng. Với trường hợp đã tiêm phòng lúc nhỏ thì vẫn cần tiêm thêm 1 mũi tăng cường, nếu chưa tiêm lần nào thì cần tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4-8 tuần (tùy từng loại vaccine).
Chị em nếu đã bị thủy đậu trước khi mang thai thì không cần tiêm phòng. Vaccine thủy đậu cũng không được tiêm phòng trong thời gian mang thai.
- VIÊM GAN B
Virus viêm gan B có thể được truyền cho thai nhi và có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành. Các mẹ cần làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm bệnh hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa.
Tiêm viêm gan B trước khi mang thai được chia theo 2 phác đồ như sau:
. Phác đồ: 0-1-6 nghĩa là liều thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
. Phác đồ 0-1-2-12 tức là tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 1 năm.
Đối với viêm gan B chị em nên hoàn thành các mũi tiêm trước khi mang thai để đảm bảo an toàn, nếu trong trường hợp chưa tiêm hết vẫn có thể tiếp tục tiêm các mũi còn lại dưới sự cho phép của bác sĩ.
- CÚM
Đây là bệnh viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp gây nên bởi virus cúm, dễ lây truyền thành dịch. Virus cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị tật (nhất là khi mẹ bị cúm trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Thông thường phụ nữ mang thai khi bệnh cúm sẽ nặng hơn và thời gian bị bệnh cũng sẽ kéo dài hơn người bình thường.
Theo khuyến cáo của CDC 08/2016 và Tiêm chủng quốc gia 2015, vaccine cúm bất hoạt có thể vào bất cứ lúc nào trong thai kỳ, trước hoặc trong mùa cúm. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chị em nên chủ động tiêm phòng cúm trước khi mang thai 1 tháng.
- UỐN VÁN
Các mẹ cần tiêm vaccine uốn ván để bảo vệ mẹ và bé trong thời kỳ mang thai, khi sinh và sau sinh vì trong những tháng đầu đời trẻ sơ sinh rất dễ có nguy cơ mắc bệnh này nếu không được tiêm phòng.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam lịch tiêm uốn ván là:
. Nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, mẹ cần tiêm 2 mũi, mũi đầu tiên trong 3 tháng giữa của thai kỳ, mũi thứ 2 sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.
. Nếu là mang thai lần 2 hoặc những lần sau mà trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc lại vaccine uốn ván, tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ.
. Nếu thai phụ đã được tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.
. Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã tiêm trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi.
- HO GÀ
Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp và nguy hiểm nhất là trẻ sơ sinh.
Để phòng bệnh ho gà hiệu quả, các mẹ cần tiêm phòng vaccine DTaP với liều lượng 1 mũi và tiêm trong khoảng từ tuần thứ 27 đến trước tuần thứ 36 của thai kỳ, tốt nhất là trước tuần thứ 35 để kháng thể đạt mức tối đa cho bé trước khi sinh.
Lượng kháng thể được sinh ra sau khi chủng ngừa vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, chị em nên tiến hành tiêm nhắc lại đối với vaccine này trong mỗi lần mang thai.
Hãy cùng SIH chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh, cùng những kháng thể phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trước khi đón thiên thần nhỏ xuất hiện nhé!
Để được tư vấn và đặt lịch thăm khám tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế SIH, bạn vui lòng liên hệ Hotline: 0937 631 778 (Ms.Trâm).
SIH: “Tất cả vì bệnh nhân phục vụ”